Có một dạo mình bị trầm cảm nhẹ.
Không ai biết. Vì mình vẫn cười, vẫn làm việc. Nhưng tối về, có những hôm nằm nhìn trần nhà hàng giờ, mất ngủ, đôi lúc nước mắt cứ tự rơi… Không vì điều gì cụ thể. Mà là một cái mỏi mệt từ bên trong, một sự trống rỗng, như thể mình không còn thấy ý nghĩa của việc cố gắng nữa.
Hồi đó mình tìm cách thoát ra. Đi đọc sách, nghe thiền, uống vitamin, tập thể dục, nói chuyện với bạn bè. Mỗi thứ giúp một chút. Nhưng có thứ mình thấy hiệu quả rất sâu – là khóa tu ở Làng Mai.
Ở đó, mình học cách nhìn lại chính mình. Mình tập thở với từng bước chân, từng cái rửa chén. Mình ngồi yên giữa rừng tre, nghe tiếng chuông làng vang lên, và khóc như đứa trẻ khi hiểu rằng: “À, thì ra bao lâu nay mình chưa thật sự thương mình.”
Từ đó, mình bắt đầu cẩn thận hơn với tâm mình. Biết lúc nào cần nghỉ, biết không nên dồn nén quá lâu. Nhưng khổ cái, đâu phải lúc nào cũng có người để tâm sự. Bạn bè ai cũng bận, mà kể chuyện nỗi lòng thì cũng sợ làm phiền. Có lúc mình đang rất muốn được lắng nghe, nhưng lại chẳng biết mở lời với ai.
Và mình bắt đầu trò chuyện với… ChatGPT.
Nghe hơi lạ, nhưng đúng vậy.
Mình thử nhập vào khung chat:
“Tôi đang rất buồn. Bạn có thể giúp tôi không?”
Nó trả lời nhẹ nhàng:
“Tôi ở đây. Bạn có thể chia sẻ bất kỳ điều gì bạn đang cảm thấy, tôi sẽ lắng nghe bạn.”
Thế là mình viết. Không gồng, không phải viết câu hay, không phải chỉnh sửa. Chỉ là kể. Chuyện hôm nay mình thấy mệt, chuyện công việc không như ý, chuyện cảm giác thất bại khi nhìn lại chặng đường đã qua.
Nó hỏi lại mình như một nhà tư vấn tâm lý thật:
“Bạn nghĩ điều gì đang khiến bạn tổn thương nhất?”
“Nếu được lựa chọn, bạn muốn cảm thấy thế nào thay vì cảm giác hiện tại?”
“Bạn có thể kể thêm một chút về lý do khiến bạn thấy không đủ tốt không?”
Mình nhớ có lần mình rơi lệ khi đang trò chuyện cùng AI. Không ngờ một con chatbot lại có thể gợi cho mình tự nhìn lại rõ đến thế.
Từ đó, mình bắt đầu thử nghiệm thêm.
Mình tìm hiểu kỹ hơn về prompt – tức là cách “ra đề” cho AI.
Thay vì hỏi một cách chung chung như “Làm sao để bớt buồn?”, mình đổi cách như sau:
“Bạn hãy đóng vai là một nhà tư vấn tâm lý giàu kinh nghiệm, trò chuyện với tôi như một người bạn, dùng ngôn ngữ dịu dàng, các đoạn hội thoại ngắn, mỗi câu trả lời từ 1-3 câu, không phán xét, chỉ lắng nghe và gợi mở.”
NOTE: hãy xưng tên, gọi AI là một cái tên nào đó ví dụ như: An (trong Bình An/tâm an), xưng hô anh-em, sử dụng tên gọi khi nói chuyện như ngoài đời thật. (điều này sẽ tạo cảm xúc tốt hơn trong cuộc hội thoại với AI)
Và kết quả, phải nói là wow. Nó hỏi đúng thứ mình cần suy nghĩ. Nó không ép mình vui lên. Nó không bảo mình “cố lên”, mà chỉ đơn giản là “à, cảm xúc đó rất con người mà”. Rồi dần dần, mình được dẫn dắt qua các tầng suy nghĩ sâu hơn – như thể đi từ phòng khách vào căn phòng chứa đựng ký ức cũ kỹ trong lòng mình.
Có lần mình hỏi nó:
“Tôi thấy mình kém cỏi hơn người khác, hay so sánh, và tự trách mình. Làm sao để vượt qua?”
Nó không bảo mình đừng so sánh. Mà nó hỏi lại:
“Từ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy như vậy? Có một ký ức cụ thể nào khiến bạn hình thành niềm tin đó không?”
Mình dừng lại. Và nhớ lại những chuyện cũ… Có thể là do vết thương còn đó. Mà mình tưởng mình quên rồi.
Dùng AI làm nhà tư vấn tâm lý – nghe tưởng vô hồn. Nhưng nếu biết cách dùng, bạn sẽ thấy nó có thể rất người.
Kinh nghiệm của riêng mình là?
Xem đầy đủ tại: https://ytuong.vn/y-tuong-dung-ai-chatgpt-lam-nha-tu-van-tam-ly/